Phối trộn khẩu phần ăn cho chó tại nhà – Làm sao đảm bảo khẩu phần ăn cân bằng dinh dưỡng?

Điều quan trọng nhất của một khẩu phần ăn hợp lý là “đủ chất và cân bằng dinh dưỡng”, có nghĩa là đáp ứng được tất cả nhu cầu dinh dưỡng của chó.
Tôi đã viết một số bài về vấn đề dinh dưỡng trong khẩu phần ăn chó nhà, nêu lên các vấn đề liên quan đến sức khoẻ, hoặc chỉ đơn giản là tạo nguồn dinh dưỡng tối ưu cho chó nhà. Để viết được những bài viết như vậy, tôi đã phân tích kỹ lưỡng các khẩu phần ăn và so sánh với sách hướng dẫn của Hội đồng Nghiên cứu quốc gia về dinh dưỡng cho chó. Để tôi làm rõ một điểm này: Tôi không nói đây là yêu cầu bắt buộc về dinh dưỡng cho chó nhà mà chỉ là khẩu phần ăn tham khảo mang đủ chất dinh dưỡng dựa trên khẩu phần ăn mà bạn đang áp dụng cho chính gia đình mình hàng ngày, những loại thực phẩm nhiều chất dinh dưỡng có thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho hầu hết các loài chó nuôi.

Bạn đừng quá băn khoăn trong việc làm sao để chế biến “một khẩu phần ăn hoàn hảo” đủ chất dinh dưỡng cho chó, không có khẩu phần ăn nào bao gồm hết tất cả chất dinh dưỡng cần thiết cả; miễn là chó nhà mình được cung cấp đầy đủ các loại chất trong vòng 1 đến 2 tuần (ý tôi muốn tính cả yếu tố thời gian vào đây), thì nó sẽ khoẻ mạnh thôi. Nguyên tắc này cũng giống như khẩu phần ăn trong gia đình của chúng ta vậy.

Vấn đề ở đây là chúng ta nên hiểu ý “đầy đủ dinh dưỡng” như thế nào đây. Chúng ta hay thường gặp nhiều chủ chó nghĩ rằng họ đã cho chó ăn đầy đủ chất dinh dưỡng rồi, nhưng thật ra có một số chất cực kỳ quan trọng lại bị khuyết, thiếu, hay quá thừa. Sau đây là những hướng dẫn đi sâu đi sát để giúp bạn đảm bảo một khẩu phần ăn đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng thiết yếu cho chú chó cưng của mình.

Đầy đủ chất và cân bằng

Điều quan trọng nhất của một khẩu phần ăn hợp lý là “đủ chất và cân bằng dinh dưỡng”, có nghĩa là đáp ứng được tất cả nhu cầu dinh dưỡng của chó. Tuy nhiên, tôi xin nhắc lại một điểm cũng quan trọng không kém, đó là không cần phải tập trung hết tất cả chất dinh dưỡng trong 1 “khẩu phần hoàn hảo”, vì như vậy thì ngày nào cũng cho ăn có 1 bữa “cháo thập cẩm”. Quan trọng là đủ chất trong một khoảng thời gian nào đó (1 đến 2 tuần).

Khẩu phần ăn tự làm ở nhà có rất đa dạng thành phần, do đó chúng ta đừng bỏ qua lợi thế này mà cho chó đổi khẩu vị. Cũng như cách ăn uống của con người mình thôi. Chỉ khác 1 chút là con người cần hướng dẫn dinh dưỡng dựa trên nhóm thực phẩm hoặc chế độ ăn. Còn nếu chó nhà không có vấn đề gì đặc biệt về sức khoẻ, thì không có lý do gì chúng ta lại không thể cho chó nhà ăn thức ăn giống như của người.

Bạn hãy nhớ là chó con, đặc biệt là chó con của những dòng chó đại thì càng dễ bị ảnh hưởng bởi các vấn đề về dinh dưỡng hơn chó trưởng thành, nhất là những trường hợp khẩu phần ăn quá thiếu hoặc quá thừa, hay dinh dưỡng không thích hợp cho quá trình tăng trưởng của chó.

HƯỚNG DẪN

Sau đây là những hướng dẫn để chế biến thức ăn tại nhà cho những chú chó khoẻ mạnh. Không có bất kì loại thực phẩm nào, kể cả bò gà heo hay trứng sữa có thể “một mình một ngựa” chiếm tới hơn nửa khẩu phần ăn của chó. Đủ chất thì phải đa dạng thành phần.

Ngoại trừ những trường hợp có cách ăn đặc thù, chó ăn được cả thực phẩm sống lẫn chín. Thức ăn thừa của người cũng có thể tận dụng để làm thức ăn cho chó, miễn là không quá nhiều mỡ màng.

Thịt và các sản phẩm từ động vật khác:

Có thể chiếm 1/2 khẩu phần ăn của chó. Nhiều thực phẩm tươi sống có hàm lượng chất béo rất cao, gây béo phì, và có thêm một nguy cơ khác nữa là khi thấy chó bị béo phì thì chủ chó thường hạn chế khẩu phần ăn của nó (để giảm cân), và gây nên thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết khác (trong khi chất béo vẫn thừa).

Nếu như chó nhà mình không tập thể dục thường xuyên và cường độ khá mạnh thì nên dùng thịt nạc cho ăn (tối đa chỉ được 10% mỡ/béo), thịt gia cầm thì nên lột da, lọc mỡ.

Xương có lẫn thịt sống (không bắt buộc): Nếu muốn cho chó ăn xương, thì thành phần này nên chiếm 1/3 hay cao lắm là 1/2 khẩu phần ăn. Bạn nên cho ăn những loại xương khá mềm và giá rẻ mà quan trọng là vẫn có dính thịt trên xương, chẳng hạn như đầu cổ gà và xương lưng gà. Với khẩu phần ăn này thì đặc biệt bạn có thể cho ăn thêm (tức là nhiều hơn 1/2 khẩu phần ăn) bởi vì nó khá nhẹ, ngon và dễ tiêu.

Thịt toàn nạc không xương: Có thể cho ăn cả thịt gà và thịt đỏ. Tim là lựa chọn tốt nhất, vì toàn nạc và khá rẻ hơn so với các phần thịt nạc từ cơ khác. (Biên dịch: Cái này phải chỉnh vì nước ngoài khác mình, ở mình tim mắc lắm, có thể chỉnh chữ “tim”thành “gan bò (thành nội tạng mất rồi)”.)

Cá: Cá cung cấp vitamin D, nếu không cho ăn cá thì chúng ta sẽ phải bổ sung chất này. Có thể cho ăn cá hộp, chẳng hạn như cá mòi (đóng hộp với nước, đừng chọn loại có dầu), cá nục, và cá hồi vân, là những thực phẩm tốt. Nên loại bỏ xương và không bao giờ cho ăn cá hồi sống. Bạn có thể cho chó ăn cá mỗi ngày với 1 khẩu phần nho nhỏ, hoặc nhiều hơn nếu 1 – 2 tuần một lần. Miễn sao đảm bảo tỷ lệ cá/thịt là 1/10.

Nội tạng: Gan (heo, bò, gà) có thể chiếm tối thiểu 5% khẩu phần ăn của chó. Gan bò là loại thực phẩm đặc biệt rất nhiều chất dinh dưỡng, nhưng cũng như gan gà và gan heo, chúng ta nên thỉnh thoảng cho ăn chứ không nên cho ăn thường xuyên. Nếu cho ăn mỗi ngày thì chỉ nên cho 1 lượng nho nhỏ, giống như cách cho ăn cá.

Trứng: Có hàm lượng dinh dưỡng cao, được dùng bổ sung cho bất kì khẩu phần ăn nào. Chó nặng trên 10kg có thể ăn nguyên quả trứng / ngày, nhưng chó nhỏ hơn thì phải giảm lại.

Sữa: Hầu hết các loài chó đều ăn được yaour không đường và sữa chua kefir (nếu thấy có vấn đề thì thử dùng sữa dê). Pho-mai cottage (loại phomai ít muối, ít béo – ND) và phomai ricotta (loại phomai tươi của Ý – ND) cũng là 2 loại thực phẩm tốt. Nên hạn chế cho ăn các loại phomai khác vì đa số đều có hàm lượng chất béo cao.

Trái cây và rau củ: Xét theo tiến hoá tự nhiên từ chó sói, chó rừng thành chó nhà thì rau củ không phải là khẩu phần ăn truyền thống của chúng. Tuy nhiên, rau củ quả lại bổ sung được chất xơ hỗ trợ cho cơ quan tiêu hoá của chó, và là chất chống lão hoá, là nguồn cung cấp những dưỡng chất cần thiết khác đảm bảo cho sức khoẻ lâu dài của chó. Những loại rau củ quả màu sậm có hàm lượng dinh dưỡng càng cao.

Trái cây chẳng hạn như dưa leo, dâu, chuối, táo, lê, và đu đủ đều có thể bổ sung vào khẩu phần ăn cho chó.

Các loại rau quả có tinh bột: Rau củ quả chẳng hạn như khoai tây, khoai lang, bí ngô, và các loại đậu đều là nguồn cung cấp calorie carbonhydrat bổ dưỡng, giá lại rẻ giúp giảm chi phí và tăng cân cho những chú chó “phoọc mình dây” và năng động. Tuy nhiên tỷ lệ cho ăn cũng nên hạn chế đối với những chú chó thừa cân. Nên nấu chín các loại rau củ có tinh bột để chó dễ tiêu hoá.

Các loại rau lá và rau củ không tinh bột khác: Đây là những loại thực phẩm ít calorie nên có thể cho ăn với số lượng thoải mái. Tuy nhiên cũng cần lưu ý một chút là nếu nhiều quá thì sẽ sinh khí trong ruột, đặc biệt là những loại rau họ cải như bông cải/ súp-lơ xanh/trắng, bắp cải có thể làm suy chức năng tuyến giáp (nên nấu nếu cho ăn lượng lớn). Rau củ quả sống có thể đem nghiền, trộn đều, hoặc ép lấy nước để dễ tiêu, còn nếu đã được nấu chín thì có thể cho ăn bao nhiêu tuỳ thích.

Trái cây: Chuối, táo, dưa leo, đu đủ đều cho chó ăn được. Nên tránh cho ăn nho và các loại trái cây sấy vì có thể gây độc và làm suy thận ở chó.

Các loại hạt: Đây là thành phần đang gây tranh cãi vì có thể gây phù nề sưng viêm do dị ứng, thấp khớp hoặc viêm đường ruột (IBD); hay thậm chí gây bệnh động kinh và một số vấn đề về sức khoẻ khác (hiện vẫn chưa rõ các thực phẩm có chứa tinh bột có gây nên những vấn đề về sức khoẻ tương tự không). Một số loại hạt có chứa gluten (chất sệt) gây nên các vấn đề về đường tiêu hoá cho một số loài chó. Tuy nhiên, có khá nhiều loài chó ăn được hạt, và đây cũng là một loại thức ăn giá rẻ, giúp giảm chi phí khi chế biến tại nhà.

Hạt và các loại rau củ có tinh bột chỉ nên chiếm ít hơn 1/2 khẩu phần một bữa ăn của chó. Có thể chọn các loại hạt như gạo lứt, lúa mạch, bo bo,… Gạo trắng cũng có thể được dùng để ổn định dạ dày cho chó, đặc biệt là nếu nấu hơi nhão một chút thì càng dễ tiêu, nhưng thành phần dinh dưỡng của gạo khá kém do đó không nên cho ăn quá nhiều trừ trường hợp chó to cần một khẩu phần ăn lớn. Tất cả các loại hạt đều cần được nấu chín trước khi cho ăn.

CHẤT BỔ SUNG

Cần phải bổ sung một số chất dinh dưỡng cần thiết trong những trường hợp: khẩu phần ăn của chó không được thay đổi thường xuyên (cho ăn nhiều bữa giống nhau), khẩu phần ăn thiếu một hay nhiều những thành phần đã đề cập bên trên. Thêm vào đó, nếu luộc nấu và đông lạnh trong thời gian càng lâu thì càng nhiều chất dinh dưỡng bị mất đi. Sau đây là một số chất dinh dưỡng bổ sung mà bạn cần lưu ý:

Calcium: Nếu chó của nhà không được cho ăn xương thịt sống thì cần phải bổ sung thêm calcium. Thành phần calcium trong các viên vitamin hỗn hợp hay khoáng hỗn hợp thì không đủ đâu. Bạn cần phải cung cấp đủ từ 1600 đến 2000mg calcium trên mỗi kg cân nặng của chó. Bạn có thể dùng các dạng calcium trơ, có thể có trong vỏ trứng nghiền thành bột (cho ăn 1/2 muỗng cà-phê bột vỏ trứng sẽ cung cấp được 1000mg calcium). Ngoài ra các loại rong biển cũng có thể là nguồn cung khoáng chất khá tốt.

Dầu: Khẩu phần ăn làm tại nhà cần phải có dầu là nguồn chất béo, calorie để cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Quan trọng là phải dùng đúng loại dầu, bởi vì mỗi loại dầu cung cấp chất dinh dưỡng khác nhau.

Dầu cá: Bổ sung EPA và DHA, acid béo omega-3 giúp điều hoà hệ thống miễn dịch và giảm sưng viêm phù nề. Cung cấp một lượng 300mg EPA và DHA kết hợp cho chó cân nặng từ 12 đến 16kg thay cho cá. Bạn nên lưu ý là các chất bổ sung dầu cá thường được khuyến khích dùng nhiều, tuy nhiên như vậy sẽ gây dư thừa calories và chất béo.

Dầu gan cá tuyết: Cung cấp vitamin A và D, EPA và DHA. Nếu bạn không cho chó ăn cá nhiều thì có thể thay bằng dầu gan cá một lượng vừa phải đủ để cung cấp 400 IU vitamin D hàng ngày cho chó cân nặng khoảng 55kg (cứ theo tỷ lệ này mà chia nhỏ hơn đối với chó nhỏ)/ Có thể kết hợp dầu gan cá của nhiều loại cá khác nhau để tăng EPA hay DHA nếu cần.

Dầu gan cá và dầu mỡ cá có thể cung cấp acid béo rất tốt cho chó. Tuy nhiên cần lưu ý nên cho ăn đúng liều lượng ghi trên bao bì, nếu không sẽ gây nên tình trạng thừa chất béo.

Dầu thực vật: Nếu bạn không cho chó ăn nhiều mỡ gia cầm (có trong thịt và da của gia cầm thịt sậm màu), thì có thể sẽ bị thiếu linoleic acid, một loại acid béo omega-6 thiết yếu. Bạn có thể bổ sung bằng cách cho ăn hạt óc chó, hạt cây gai dầu, bắp, đậu nành, hay hạt rum (safflower) có hàm lượng dầu cao. Cho khoảng 1 thìa cà-phê dầu cho mỗi 450gr thịt hay các sản phẩm khác từ động vật, hay gấp đôi (2 thìa cà phê) nếu dùng dầu hạt cải tinh luyện hay dầu hạt hướng dương. Dầu oliu và dầu hạt rum là những loại dầu béo cao nhưng hàm lượng omega-6 thấp, không nên dùng làm nguồn chất béo thay thế, tuy nhiên vẫn có thể thêm một chút để bổ sung béo nếu cần. Dầu dừa là nguồn chất béo bão hoà tốt, nhưng chỉ có thể dùng như một chất bổ sung chứ không nên thay thế các loại dầu khác.

Vitamin và khoáng chất: Như đã nêu bên trên, ngoài vitamin D ra, chó có thể bị thiếu một số loại vitamin và khoáng chất quan trọng khác trong khẩu phần thức ăn tự làm, đặc biệt là đối với những khẩu phần ăn thiếu thịt nội tạng động vật hay rau củ quả. Khẩu phần ăn càng ít chất dinh dưỡng thì lượng dinh dưỡng bổ sung càng nhiều (để bù phần khuyết), không loại trừ những khẩu phần ăn tuy đa dạng nhưng thiếu chất.

Vitamin E: Qua phân tích chúng tôi thấy thức ăn tự làm thường thiếu vitamin E, và nhu cầu vitamin E càng tăng khi bạn bổ sung chất béo vào khẩu phần ăn của chó. Tuy nhiên, nếu quá nhiều vitamin E thì sẽ gây phản tác dụng. Chỉ cần 1 IU mỗi ngày cho mỗi kg cân nặng của chó là đủ.

Iod: Quá ít hay quá nhiều iodine để có thể gây suy giảm chức năng tuyến giáp, và rất khó để biết bao nhiêu thì đủ cho 1 khẩu phần ăn. Chó cân nặng khoảng 22kg cần 300 microgram iodine mỗi ngày. Các chất bổ sung có hàm lượng iodine khác nhau, trong đó, kelp (tảo bẹ) được xem là thực phẩm bổ sung iodine khá tốt.

Bổ sung đa-vitamin và đa khoáng: Một hợp chất bổ sung đa vitamin, đa khoáng có thể cung cấp hầu như đầy đủ các nhu cầu của chó, bao gồm cả vitamin D và E. Tuy nhiên, chúng ta không nên bổ sung qúa nhiều chất khoáng. Nếu dùng loại thực phẩm bổ sung cho người lớn như Centrum, dành cho người lớn dưới 50 tuổi, có thể dùng để bổ sung khoáng hàng ngày cho chó cân nặng 20 đến 22kg. Nên lưu ý là hầu hết các loại thực phẩm bổ sung dành cho chó đều cung cấp một lượng vừa phải các loại vitamin nhưng không cung cấp đủ khoáng chất, và không thể dùng để lắp vào phần còn thiếu trong khẩu phần ăn của chó. Đặc biệt là chó nhỏ; Tôi đã từng thấy một vài loại thực phẩm bổ sung kê liều dùng cùng hàm lượng cho cả chó nhỏ nặng 4-5kg và chó lớn 20kg hoặc thậm chí 45kg. Trong những trường hợp đó thường thì liều dùng sẽ trở nên quá cao cho chó nhỏ, do đó cần lưu ý giảm xuống. Sản phẩm dùng cho người cũng không thích hợp dùng cho chó nhỏ.

Hỗn hợp chất xanh: Có trong cỏ alfafa và các loại rau thơm khác. Có thể dùng hỗn hợp chất xanh bổ sung khi bạn không thường xuyên cho chó ăn rau. Bạn cũng có thể dùng thêm các loại pre-mix có cỏ alfafa và rau củ, chẳng hạn như sản phẩm của The Honest Kitchen’s Preference. Lưu ý là một số pre-mix cũng bổ sung calcium, do đó bạn nên giảm hay loại bỏ phần bổ sung calcium khi dùng các loại pre-mix này, và còn phải tuỳ theo lượng pre-mix mà bạn dùng.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *